TÌM HIỂU VỀ CÔNG NGHỆ SƠN TĨNH ĐIỆN

Sơn tĩnh điện là một trong những công nghệ sơn công nghiệp hiện đại nhất trên thị trường, mỗi công nghệ lại có một ưu nhược điểm và tính chất riêng biệt. Riêng với công nghệ sơn tĩnh điện  đã và đang có rất nhiều ưu điểm vượt trội nên đã sớm trở thành công nghệ sơn được ưa chuộng nhất hiện nay. Cùng TAC tổng hợp những thông tin, kiến thức cơ bản về công nghệ sơn tĩnh điện trong bài viết dưới đây.

Một số mẫu Nhôm sau khi được hoàn thành sơn tĩnh điện.

Sơn tĩnh điện là gì?

Chúng ta đều biết rằng sơn là một việc làm đã từ thời cổ xưa, đó chính là việc phủ một lớp vật chất dẻo lên trên bề mặt của một vật thể nào đó. Mục đích của việc này là tạo ra một lớp bảo vệ bên ngoài vật chất đó, mà không gây ra sự nặng nề, thô kệch cho vật thể, đồng thời còn mang lại giá trị thẩm mĩ cho nó. Các phương pháp sơn phổ biến và sơ khai nhất là bằng cách quét, hoặc phun lớp sơn lên.

Nhưng trải qua lịch sử phát triển công nghệ của con người, công nghệ sơn cũng đã dần thay đổi. Đó là sự thay đổi về các phương pháp sơn cũ như: chất liệu sơn mới đẹp hơn, bền hơn, dễ sử dụng hơn, an toàn hơn… Và cũng ra đời công nghệ sơn mới rất hiện đại đó là sơn tĩnh điện.

Sơn tĩnh điện là công nghệ sơn sử dụng nguyên lý điện từ mà cả hạt sơn và bề mặt sơn đều được mang điện tích trái dấu để khi chúng tiếp xúc với nhau sẽ tạo ra phản ứng điện từ, tạo nên một sự liên kết bền chắc nhất.

Sơn tĩnh điện hiện đang là phương thức sơn hiện đại nhất tới thời điểm hiện tại.

Công nghệ phun sơn tĩnh điện ra đời từ những năm 1950 bởi Tiến sĩ Erwin Gemmer. Sau hàng chục năm phát triển, công nghệ này đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, về mặt nguyên lý thì vẫn dựa trên một nguyên lý thống nhất là nguyên lý điện từ. Và khi xét về bản chất, việc sơn tĩnh điện là sử dụng nguyên lý điện từ đó để phủ lên bề mặt mong muốn một lớp chất dẻo (sơn).

Tùy thuộc vào loại chất dẻo đó mà chúng ta cũng chia sơn tĩnh điện ra làm 2 loại công nghệ chính:

– Sơn bột, hay còn gọi là sơn khô, là công nghệ sơn phun bột trực tiếp bằng súng phun sơn lên bề mặt các sản phẩm kim loại.

– Sơn ướt, hay còn gọi là sơn tĩnh điện sử dụng dung môi, là khi sơn phải được pha qua với dung môi (hoặc nước) rồi mới sử dụng điện từ để sơn lên vật dụng, sản phẩm. Cách sơn này có thể sơn lên cả bề mặt nhựa, gỗ. Đây là công nghệ hiện đại nhất vì tiết kiệm được lượng sơn lớn và lớp sơn dày hơn có thể đạt lên tới 120 micron.

Mỗi công nghệ lại có một tính ứng dụng, nguyên lý và hiệu quả khác nhau. Nhưng xét về tính phổ biến thì hiện nay sơn khô đang là phổ biến hơn cả trên quy mô toàn thế giới và ở riêng Việt Nam.

Nguyên lý hoạt động công nghệ sơn tĩnh điện

Chúng ta đều biết rằng mọi vật chất đều mang điện tích ở trạng thái cân bằng giữa điện tích âm và điện tích dương. Nếu không có sự cân bằng đó, vật chất sẽ tìm các điện tích còn thiếu từ môi trường bên ngoài để bù đắp vào. Dựa trên nguyên lý này, người ta cho bột sơn được mang điện tích dương, còn bề mặt kim loại sẽ mang điện tích âm. Để khi tiến hành sơn, bột sơn tiếp xúc với bề mặt kim loại, 2 điện tích này sẽ phản ứng với nhau tạo nên một sự liên kết điện từ vô cùng chắc chắn.

Màu sắc của sơn tĩnh điện rất đa dạng và phong phú tùy theo nhu cầu của khách hàng

Khác với sơn phun, hay sơn quét thì chỉ tạo một lớp màng bên ngoài miếng kim loại nhưng về bản chất thì lớp sơn và miếng kim loại vẫn là 2 khối riêng biệt. Trong khi đó sơn tĩnh điện đã biến 2 lớp này giống như là một nhờ vào liên kết điện từ.

Đi sâu hơn vào công nghệ sơn tĩnh điện này, chúng ta biết rằng phải biến miếng kim loại từ điện tích trung hòa sang trạng thái chỉ có điện tích âm. Vì vậy, công nghệ sơn tĩnh điện chỉ có thể dùng trên các loại kim loại có tính chất dẫn điện như sắt, thép, nhôm, thép, thép mạ kẽm, đồng thau, magie.

Trên thị trường sơn tĩnh điện được chia làm 4 phong cách, cũng là phân loại bột sơn tĩnh điện, đó là Bóng (Gloss), Mờ (Matt), Cát (Texture) và Sần Sùi (Wrinkle).

Màu sắc của sơn tĩnh điện rất đa dạng và phong phú tùy theo nhu cầu của khách hàng, nhất là khi công nghệ sơn phát triển như hiện nay thì sự việc phát triển những màu sơn mới đẹp hơn, lạ hơn ngày càng nhiều.

Ưu điểm của sơn tĩnh điện

Lý do mà sơn tĩnh điện ngày càng trở nên phổ biến trên khắp thế giới là vì những ưu điểm vượt trội của nó so với các công nghệ sơn khác. Chẳng hạn như :

Về đặc tính sử dụng

Thứ nhất, bột sơn tĩnh điện dạng khô nếu có dính lên người, quần áo thì cũng rất dễ vệ sinh. Bởi vì người, hay quần áo không bị mất cân bằng điện tích như bề mặt cần sơn, nên kể cả khi bột sơn có tiếp xúc thì cũng không tạo ra kết nối vì vậy việc vệ sinh dễ dàng hơn nhiều khi so sánh với các loại sơn nước phải dùng xăng, hóa chất để chùi rửa.

Thứ hai, sơn nước, sơn quét đa phần là dùng nhân công tự làm trong khi sơn tĩnh điện là sử dụng hệ thống tự động hóa có thể tăng năng suất lên cực kỳ nhanh chóng, hiệu quả, mà luôn đảm bảo được độ đồng nhất về chất lượng của thành phẩm sau khi sơn.

Về chất lượng

Như đã có đề cập trước đó, sự kết nối điện từ của bề mặt và sơn là rất bền chặt, tạo nên sự bền vững suốt cả một thời gian dài kể cả có bị tác động dưới thời tiết, ánh sáng, môi trường, tác động hóa học hay tác động vật lý.

Ngoài ra tính thẩm mỹ của sơn tĩnh điện cũng là vượt trội, bởi vì sơn tĩnh điện có thể đảm bảo được lớp sơn đều trên khắp bề mặt, không có tình trạng chỗ dày chỗ mỏng, bề mặt sơn dày gấp đôi các phương pháp sơn thông thường nên nhìn vào rất thẩm mỹ, sáng bóng, chuẩn màu và bắt mắt mà chúng ta mong muốn.

Về tác dụng bảo vệ

Vẫn với tính hiệu quả nêu trên, khi lớp sơn dày hơn, đều hơn thì cũng đồng nghĩa với việc bề mặt của vật được sơn sẽ được bao phủ gần như tuyệt đối, tạo sự bảo vệ tối đa cho bề mặt khỏi các tác động của môi trường bên ngoài. Chẳng hạn như quá trình oxy hóa, ăn mòn… có thể len lỏi trên phạm vi vô cùng nhỏ của bề mặt và gây hại, nhưng khi đã sơn phủ kín tuyệt đối thì rủi ro này sẽ không còn.

Hơn thế nữa, hiện nay các loại sơn tĩnh điện còn chứa các ion cho phép giảm thiểu các tác nhân gây ăn mòn, giúp tăng hiệu quả bảo vệ cho bề mặt kim loại.

Độ an toàn cao

Một trong những lí do mà sơn tĩnh điện ra đời và được rất nhiều cơ quan chính phủ, doanh nghiệp thúc đẩy sử dụng là vì tính an toàn của nó cho sức khỏe con người. Trong khi các loại sơn khác sử dụng nhiều dung môi hóa học gây hại cho sức khỏe khi hít vào, tiếp xúc… thì sơn tĩnh điện hoàn toàn không. Bởi vì bột sơn là một loại vật chất rắn không bay hơi nên chỉ cần các phương pháp an toàn lao động thông thường như quần áo bảo hộ, găng tay, khẩu trang là đã đủ bảo vệ an toàn cho người thợ sơn trong quá trình làm việc.

Sự an toàn của sơn tĩnh điện cũng là sự an toàn bền vững cho môi trường. Nhiều công nghệ sơn tĩnh điện hiện đại cho phép đạt hiệu quả sơn lên đến hơn 99%, các hạt sơn thất thoát ra ngoài hoặc chưa dùng hết cũng có thể thu hồi để tái sử dụng nên việc sơn bị chảy ra môi trường, ngấm vào trong đất, trong nguồn nước như nhiều loại sơn nước sẽ không còn xảy ra nữa.

Sự an toàn của sơn tĩnh điện cũng là sự an toàn bền vững cho môi trường.

Về tính kinh tế

Giá trị kinh tế chính là giá trị nổi bật và rõ ràng nhất khi sử dụng sơn tĩnh điện. Giá trị kinh tế này có thể nhìn nhận từ nhiều góc độ khác nhau :

– Sơn tĩnh điện kinh tế về mặt hiệu quả sử dụng. Vì nó sử dụng triệt để hơn 99% lượng sơn, ít thất thoát. Bột sơn nếu dư cũng được thu hồi và tái sử dụng chứ không cần bỏ như sơn nước.

– Kinh tế về mặt thời gian. Chỉ với 20 phút là đã có thể hoàn thành việc sơn cho một vật liệu bất kỳ mà không mất thời gian chờ đợi như các loại sơn nước.

– Mang đến hiệu quả lâu dài và bền vững hơn, tức là tiết kiệm chi phí hơn vì ít phải bảo dưỡng, bảo trì sau thời gian dài sử dụng.

Trong bài viết tiếp theo chúng ta sẽ tìm hiểu rõ hơn về quy trình sơn tĩnh điện được diễn ra như thế nào.

Liên hệ ngay với chúng tôi

Hotline: 0933.178.272 – 0934.562.033

Website: www.tac-industry.com

Fanpage: Top American Corporation

để được tư vấn và giải đáp những thắc mắc về sản phẩm.

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM